.
Bản
đồ nước Trung Phi và Tổng Thống Trung Phi Bokassa.
Mở
bài
Năm 1972,
dư luận xôn xao về câu chuyện “cô bé lọ lem” người Việt Nam bỗng nhiên trở thành
công chúa vương quốc kim cương ở châu Phi. Đó là tổng thống nước Cộng Hòa Trung
Phi, Bokassa, nhờ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tìm giùm
đứa con của ông với một phụ nữ Việt Nam khi ông là trung sĩ trong quân đội viễn
chinh Pháp trước năm 1954 tại Sài Gòn.
Chánh phủ
VNCH đã nhanh chóng tìm được cô gái con lai da đen tên Nguyễn Thị Bái, Baxí, con
của bà Ba Thân ở Xóm Gà, Gia định là con của Bokassa. Cô Baxí nghèo khổ bỗng
nhiên trở thành công chúa nên được xem như câu chuyện cổ tích trong đó cô bé lọ
lem trở thành công chúa.
Dư luận vừa lắng
xuống thì bỗng nhiên nhật báo Trắng Đen làm sôi động trở lại bằng những phóng sự
về “công chúa giả, công chúa thật”, gây ồn ào như một quả bom nổ tung trong giới
truyền thông Việt Nam. Những người hiếu kỳ, tò mò mua báo Trắng Đen để theo dõi
xem kết cuộc câu chuyện ra sao. Nếu “công chúa bốc vác” là thật, thì số phận
công chúa giả Baxí sẽ ra sao? Vì bản thân cô Baxí và mẹ là bà Ba Thân biết được
rằng họ không phải là con, là vợ của trung sĩ lê dương Bokassa.
Trước mắt là báo Trắng Đen hốt bạc. Câu
chuyện không còn nằm trong việc thật, giả của hai phụ nữ Việt Nam với ông Tây da
đen vì ảnh hưởng của nó rất to lớn, có liên quan đến việc làm “mất thể diện quốc
gia” và nhật báo Trắng Đen có thể bị đóng cửa.
Báo Trắng Đen đã hành động cẩn thận, khôn
khéo với kế hoạch bí mật nên cuối cùng mang “công chúa thật” tên Martine đến
trao cho Bokassa ở Trung Phi.Tổng thống
Trung Phi tìm con
Tổng thống nước Cộng Hòa Trung Phi.
Năm 1972,
Tổng thống nước Cộng Hòa Trung Phi (Central African Republic), Jean-Bédel
Bokassa, nhờ Bộ Ngoại giao Pháp tìm kiếm đứa con thất lạc ở Sài Gòn. Bokassa là
cựu quân nhân trong quân đội viễn chinh Pháp nên có quan hệ chặt chẽ với nước
Pháp.Thế là Toà Đại sứ Pháp ở Sài Gòn nhờ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tìm giùm
người con của Bokassa.
Giới chức Việt Nam
nhanh chóng tìm ra cô gái lai, da đen tên Nguyễn Thị Bái, thường gọi là Baxí,
con của bà Ba Thân ở Xóm Gà, Cây Quéo, Gia Định.
Bộ Ngoại giao Pháp đứng trung gian đưa Baxí
đến Trung Phi. Tổng thống Bokassa mở tiệc ăn mừng rất lớn để đón con gái trên 15
năm chưa biết mặt.
Tin tức về Tổng thống
Bokassa tìm lại con được truyền thông Việt Nam và ngoại quốc rầm rộ đưa tin, ca
ngợi người cha có tình có nghĩa. Cô Baxí nghèo khổ ở Xóm Gà bỗng nhiên trở thành
công chúa của vương quốc kim cương, cho nên được ví như cô bé lọ lem trong
chuyện cổ tích.
Hình ảnh và tên tuổi
Bokassa gặp lại con gái được báo chí đăng trên trang nhất, đưa đến một khiếu
nại, cho rằng đó là “công chúa” giả, mà con ruột của người trung sĩ Bokassa hiện
còn đang sống với mẹ ở Việt Nam. Baxí là “công
chúa giả”
Bằng
chứng con ruột của Bokassa
Hình Nguyễn Thị Huệ
Báo Trắng Đen.
Năm 1972,
vào buổi trưa, một người đàn ông khoảng 50 tuổi mang tập hồ sơ đến tòa soạn báo
Trắng Đen, nhờ giúp đở nói lên sự thật về thân thế người con gái của tổng thống
Bokassa với người phụ nữ Việt Nam tên Nguyễn Thị Huệ.
Ông Sáu, tự nhận là em của bà Huệ, cho biết
bà Huệ và con gái tên Nguyễn Thị Martine hiện đang sống ở Chợ Nhỏ, trước trường
sĩ quan Bộ Binh Thủ Đức. Hồ sơ gồm có tấm hình bà Huệ chụp chung với người lính
lê dương, trung sĩ Bokassa, giấy khai sanh của Martine và tấm hình Martine, đúng
là cô gái da đen, “đầu quăn môi trớt”.
Nhà báo Nguyễn Việt là người trực ở tòa soạn báo Trắng Đen vào buổi trưa hôm đó
thuật lại nội dung như đã nói trên.
Sự
việc được lập tức thông báo cho chủ nhiệm kiêm chủ bút Việt Định Phương, và ông
chủ nhiệm lái xe đến tòa soạn ngay sau đó. Kinh nghiệm làm báo cho biết đây là
một sự việc nóng hổi, một tin tức giựt gân vô cùng hào hứng sau những ồn ào về
cô bé lọ lem Ba Xí ở Xóm Gà, Gia Định, bỗng nhiên trở thành công chúa của vương
quốc kim cương ở châu Phi.
Sự việc không đơn giản
Đào sâu vấn đề thì thấy đây là sự việc không đơn giản,
còn nhiều việc cần phải được làm sáng tỏ.
- 1. Nếu Ba Xí là “công chúa giả” thì vì sao mà người ta đưa cô ta đến Trung Phi
và được tổng thống Bokassa công nhận làm con.
- 2. Hiện tại, báo Trắng Đen chỉ nắm hồ sơ
về phía bà Huệ và Martine, còn hồ sơ của Ba Xí thì chưa được biết.
- 3. Việc làm sáng tỏ “công chúa thật” và
“công chúa giả” là bứt mây động rừng, có liên quan đến chính quyền VNCH, tòa đại
sứ Pháp, vụ việc có thể làm mất thể diện quốc gia, và không tránh khỏi áp lực
của Bộ Thông tin, Thông Tấn Xã Việt Nam, là hai cơ quan kiểm soát báo chí, đưa
đến việc tờ báo bị đóng cửa, nhất là Bộ Ngoại giao VNCH và báo chí đã nêu thành
tích về vụ tìm ra đứa con của tổng thống Trung Phi.
- 4. Hồ sơ hộ tịch của bà Huệ và Martine cần
phải điều tra để xác nhận đó là sự thật.
- 5. Cần phải có ý kiến của tổng thống Bokassa, nếu ông nầy tiếp tục công nhận
Ba Xí là con ruột thì kế hoạch kể như phải hủy bỏ.
- 6. Nếu như áp lực nào đó khiến cho bà Huệ
“phản cung” thì việc cũng không thành.
Bà Nguyễn
Thị Huệ chấp nhận những điều kiện do chủ nhiệm Việt Định Phương đưa ra. Trắng
Đen quyết định nhập cuộc, làm sáng tỏ thân phận người con thật của tổng thống
Bokassa. Buổi họp toàn thể nhân viên tòa báo được thực hiện ngay buổi chiều ngày
hôm đó.
Một kế hoạch hành động gồm những điểm như sau:
- Giữ
bí mật.
Báo Trắng Đen giữ độc quyền khai thác việc nầy.
Martine được đưa đến một nơi bí mật để tránh tiếp xúc với phóng viên các báo
khác. Bà Huệ và thân nhân chỉ được cung cấp tin tức cho báo Trắng Đen mà thôi.
Nhân viên báo Trắng Đen không được tiết lộ nơi ở bí mật của Martine, cũng không
được để rò rĩ tin tức vụ việc ra ngoài, phòng hờ việc chính quyền can thiệp. Giữ
hoàn toàn bí mật trong những bước điều tra xác minh sự thật.
- Bí mật gởi hồ sơ đến tổng thống Trung Phi bằng
nhiều đường dây khác nhau để có được quyết định của Bokassa.
Trước hết cho người xuống một xã ở Rừng Sác, quận Nhà Bè để xác nhận
khai sanh của Nguyễn Thị Martine. Việc nầy được ký giả Lam Hồng Cúc thực hiện
thành công một cách tài tình. Nữ ký giả nầy mặc quần áo bà ba đen, đội nón lá,
không phấn son trang điểm, đã khéo léo moi tin tức và nhận được khai sanh chánh
gốc tên đứa trẻ là Nguyễn Thị Martine, sinh ngày 2-2-1955. Mẹ là Nguyễn Thị Huệ,
cha là Bokassa.
Nghiệp vụ báo chí
Trước hết đặt “nghi vấn” về Ba
Xí là “công chúa giả”
Bài báo đầu tiên không đi thẳng vào vấn
đề thật giả về “công chúa lọ lem” mà đặt nghi vấn là con thật của Bokassa hiện
đang sống ở Sài Gòn. Đó là tiếng chuông mở màn gióng lên khiến cho độc giả và
những người tò mò mua báo theo dõi câu chuyện. Nhà báo chuyên nghiệp có khả năng
tung ra những độc chiêu để câu người đọc. Kết quả là số lượng báo phát từ con số
80,000 mỗi ngày tăng lên gấp đôi là 160,000 rồi lên 200,000 . Máy in Typo phải
chạy suốt ngày đêm mới cung cấp cho đủ số theo nhu cầu của độc giả.
“Nghi vấn” của bài báo đầu tiên khiến cho
nhà cầm quyền nghĩ rằng báo Trắng Đen không có hồ sơ thật, mà đó có thể là cái
mánh phao tin vịt mà các báo thỉnh thoảng đã có làm.
Khi sự việc chính thức bùng nổ thì Bộ Thông
Tin Chiêu Hồi gởi công văn đến báo Trắng Đen, cho thời hạn 3 ngày phải có sự xác
nhận của tổng thống Trung Phi. Thời hạn ngắn ngủi nầy được xem như một bản án
sắp đóng cửa tờ báo. Mọi người lo âu, hồi hộp đợi chờ.
Tổng thống Bokassa nhận con
.
Tổng thống
Bokassa & Bokassa Martine
Việc
chuyển hồ sơ Martine đến tổng thống Trung Phi thì được đặc phái viên Trắng Đen ở
Paris thực hiện. Hồ sơ, hình ảnh của bà Huệ và Martine được Bokassa công nhận,
chính ông và bà Huệ là người trong hình. Thế là một công điện và công văn gởi
cho chính phủ VNCH và báo Trắng Đen.
Một
đại diện của tổng thống Trung Phi được gởi tới Sài Gòn để xúc tiến việc đưa
Martine sang quê cha.
Chính quyền và Bộ
Ngoai giao VNCH bị kẹt cứng và báo Trắng Đen thành công.Phái đoàn đưa Martine về Trung
Phi
Một
đại diện cao cấp của nước Trung Phi qua Việt Nam hướng dẫn phái đoàn đưa Martine
về quê cha. Ông bà Việt Định Phương chủ nhiệm báo Trắng Đen, bà Nguyễn Thị Huệ
và Martine, một tùy viên sứ quán Pháp vừa đại diện nước Pháp vừa làm thông dịch
viên.
Tổng thống Trung Phi tiếp phái đoàn
báo Trắng Đen như thượng khách. Ông rất vui mừng đón nhận Martine và bà Huệ.
Martine ở lại làm công chúa. Bà Huệ trở về
Việt Nam vì bà đã có chồng khác. Riêng “công chúa giả” Baxí cũng được nhận làm
con nuôi.
Về sau bà Huệ được trợ cấp mỗi
tháng là 200,000$ đồng từ Pháp Á ngân hàng. Số tiền nầy mua được 5 lượng vàng
vào thời đó.Mở hội kén rể và tổ chức đám
cưới tập thể
Đám cưới Martine Bokassa và Baxí (1973)
BaXí trong ngày cưới.
Năm 1973,
Bokassa công bố mở hội kén rể, chọn chồng cho con gái Martine Bokassa và con
nuôi là Baxí. Buổi lễ được tổ chức long trọng tại dinh thự quốc gia, với sự tham
dự của lãnh đạo các cơ quan chính phủ. Hàng trăm thanh niên Trung Phi ghi tên
tham dự. Kết quả, hai thanh niên được chọn là bác sĩ quân y Jean-Bruno Dévéavode
làm chồng Martine, đại úy Fidel Obrou làm chồng Baxí.
Sau đó một đám cưới được tổ chức linh đình
tại dinh thự quốc gia.
Martine Bokassa có
3 con: con trai tên Jean-Barthélémy Dévéavode Bokassa, (cũng được gọi là JBB).
Con gái tên Marie Cathérine Yokovo Dévéavode-Bokassa. Con gái út tên
Marie-Jeanne Bokassa.
Baxí cũng sanh một con trai nhưng bị giết
chết hai tuần lễ sau khi ra đời.Số phận của
hai công chúa Trung Phi
Số phận hẩm hiu của Baxí
Người biết rõ Baxí không phải là con của Bokassa chính là bà Ba Thân
ở Xóm Gà, Gia Định, vì bà không phải là vợ của Bokassa. Baxí là “công chúa giả”,
là mạo nhận.
Từ một đứa con lai nghèo khổ
mà bỗng nhiên trở thành một công chúa sống trong cảnh giàu sang nhưng số phận
hẩm hiu, bi đát.
Năm 1976, chồng
Baxí là đại úy Fidel Obrou, chỉ huy trưởng đội quân bảo vệ hoàng cung, bị xử tử
vì một âm mưu lật đổ Bokassa bất thành. Ngày chồng chết thì Baxí sanh được một
đứa con trai, nhưng hai tuần sau đó thì đứa bé bị bác sĩ quân y, chồng của
Martine Bokassa, giết chết bằng chích một mủi thuốc độc.
Đúng một năm sau ngày chồng bị giết, Baxí
được chính thức trở về Sài Gòn, nhưng bị hai thuộc hạ của Bokassa giết chết và
dấu thi thể ở một nơi nào đó trên đường ra phi trường. Hưởng vinh hoa phú quý
được 7 năm.
Số phận của Martine
Bokassa
Tổng thống Bokassa hình trái - Bokassa
Martine và con hình giữa và bên phải.
Ngày
21-9-1979, Pháp tổ chức lật đổ Hoàng Đế Bokassa Đệ Nhất và buộc ông phải sống
lưu vong tại Côte d’Ivoire. Chồng của Martine Bokassa bị xử tử về tội giết con
của Baxí và là thuộc gia đình độc tài. Martine và 3 đứa con thoát được qua Pháp,
sống trong lâu đài của họ là Hardricourt. Bà Huệ được đón sang Pháp sống với
Martine.
Tên mới ở Pháp là Martine Kota,
làm chủ hai nhà hàng, một ở Pháp, một ở đảo Corse.
Con trai tên Jean-Barthélémy Dévéavode, sinh
ngày 30-8-1974 tại thủ đô Bangui, biết nói tiếng Việt với mẹ. Anh ta viết cuốn
sách tựa đề The Diamonds of Treasons nói về ông ngoại Bokassa bị phản bội.Chuyện tình
anh lính lê dương
Năm
1953, trung sĩ nhất Bokassa được tăng cường về Biên Hoà làm nhiệm vụ gác Cầu
Gành ở Cù Lao Phố.
Hồi đó, ở chân Cầu
Gành có một cái phông tên cung cấp nước công cộng để người dân gánh về dùng.
Nguyễn Thị Huệ là một trong những cô gánh nước ở phông tên đó.
Sau giờ gác cầu, trung sĩ Bokassa lân la đến
phông tên để tán gái. Phụ nữ Việt Nam thời đó rất sợ những tên lính lê dương,
nhất là những tên lính đen thùi, mặt gạch Sénégalais vì bọn chúng thường hãm
hiếp phụ nữ trong những cuộc đi ruồng bố.
Khi anh lính lê dương đến phông tên thì các cô gái đều né tránh. Ban đầu cô Huệ
cũng không dám đến phông tên nhưng vì phải gánh nước mới có tiền nên phải
liều.
Bokassa tập nói tiếng Việt, phát âm
lơ lớ làm cho cô Huệ phì cười. Anh lê dương cũng cười theo, để lộ hàm răng trắng
phếu. Dần dà, những cử chỉ ngô nghê nhát gái của anh lính da đen làm cho cô Huệ
có cảm tình hơn sợ sệt.
Tình cảm nẩy nở.
Mỗi lần quảy đôi thùng ra phông tên, cô có ý trông chờ anh lính châu Phi.
Bokassa càng tỏ ra thân mật hơn, chinh phục “người đẹp” bằng những quà tặng. Cái
khăn, chai dầu thơm, xấp vải may quần áo, có khi cũng tặng tiền cho cô gái Việt
gánh nước mướn.
Một ngày cuối tuần,
Bokassa đưa cô gái về Sài Gòn. Kết quả cuộc tình là cái bào thai trong bụng cô
Huệ.
Người cha không chịu nổi trước cái
bụng ngày càng to của con gái, nên bỏ nhà ra đi. Bà mẹ chết lặng người nước mắt
tuôn tràn.
Cô Huệ bật khóc, ôm lấy người
yêu. Hai người dắt nhau về mướn nhà ở xã Tân Thuận Đông, thuộc quận Nhà Bè, nơi
đơn vị của Bokassa đóng quân gần đó.
Tình
cảm mặn nồng bỗng nhiên bị sụp đổ trước cảnh biệt ly: anh lính lê dương chia tay
người vợ đang mang bầu, xuống tàu về nước sau khi Hiệp định Genève 1954 ra
đời.
Cô Huệ về Rừng Sác sanh ra đứa con
gái, mình mẫy đen ngòm như lọ nồi, tóc quắn, môi dầy, đặt tên là Nguyễn Thị
Martine. Tiền bạc Bokassa để lại không bao nhiêu cho nên mẹ con cô Huệ lâm vào
cảnh túng quẫn. Cô phải làm đủ nghề, đi khắp nơi và sau cùng, vì sinh kế nên về
sống với người chồng ở Chợ Nhỏ, quận Thủ Đức.
Martine lớn lên giúp đỡ mẹ từ việc bán đậu
phộng, bánh mì, trà đá…Năm 1972, vào làm phu khuân vác trong nhà máy xi măng Hà
Tiên, nằm bên xa lộ Sài Gòn Biên Hoà thuộc quận Thủ Đức. Cuộc sống lam lủ, đem
mồ hôi đổi lấy bát cơm qua ngày, không dám mơ ước có một sự “đổi đời” nào vì đã
nằm trong số phận của những đứa con lai của lính viễn chinh Pháp.
Một ngày cuối năm 1972, đang bốc vác thì
người cậu xuất hiện kêu: “Đi về thay đồ chuẩn bị đi gặp ba mầy làm tổng
thống”.
Nước Cộng hòa Trung
Phi
Bản đồ và quốc kỳ Cộng Hòa Trung
Phi.
Cộng hòa
Trung Phi (Tiếng Pháp-République Centrafricaine) là một quốc gia miền trung Phi
Châu. Bắc giáp nước Chad và Sudan, đông giáp Nam Sudan, phía nam là Congo và
Zair, tây giáp Cameroon.
Diện tích:
622,436km2. Bangui là thủ đô. Dân số 4,422,000. 11% dân số từ 15 đến 49 tuổi bị
nhiễn HIV/AIDS. Dân cư gồm 80 sắc tộc khác nhau, có ngôn ngữ khác
nhau.
Kinh tế.
Trung Phi là nước nghèo ở Phi Châu. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm
nghiệp. Công nghiệp kim cương chiến 40% số hàng xuất
cảng.
Vài hình ảnh tại đất nước Trung
Phi.
Tổng
thống Jean-Bédel Bokassa
Tiểu
sử
Jean-Bédel
Bokassa (22-2-1921 – 3-11-1996), thuộc bộ lạc M’Baka, Trung
Phi..
Ngày
13-11-1927, người cha tên Mindongon bị thực dân Pháp xử tử nơi công cộng về tội
phá rối trật tự trị an. Người mẹ tên Yokowo Marie tự tử chết một tuần lễ sau đó.
Cậu bé Bokassa mồ côi cha mẹ lúc 6 tuổi, được ông nội nuôi dưỡng. Học trường đạo
Saint Jeane d’Arc, rồi lên trung học ở trường Saint Louis.
Năm 1939 (18 tuổi) xin đăng lính vào quân đội Pháp. Năm 1950 Bokassa có mặt
trong đoàn quân viễn chính Pháp, đóng tại Chánh Hưng, Sài Gòn. Trung sĩ Bokassa
có thời gian được cử đến giữ cầu ở Cù Lao Phố Biên Hòa. Người lính lê dương nầy
sống như vợ chồng với một phụ nữ Việt Nam tên Nguyễn Thị Huệ.
Về gia đình
Bokassa
Bokassa có 19 vợ, 13 vợ trong số đó là những người ở
nhiều quốc gia khác nhau mà phần lớn mà ông lấy từ những chuyến công du ra nước
ngoài. Mỗi bà vợ được gọi bằng tên quốc gia như: “bà Đức”, “bà Bỉ”, “bà
Lebanese”, “bà Pháp”, “bà Angola”, “bà Gabon”, “bà Việt Nam”… Người vợ thứ
sáu được tôn làm hoàng hậu tên là Cathérine Denguiadé.
Nổi tiếng nhất là “bà Roumanie”, tóc
vàng. Ông gặp bà nầy ở một hộp đêm trong chuyến viếng thăm tổng thống Ceausescu.
Bà nầy có cuộc sống tình dục ngoài lề rất mạnh, làm cho mất mạng những người đàn
ông dính líu tới bà. Khi bị phát hiện, bà để đứa con gái lại cho Bokassa, bà về
nước.
Trong hồi ký tại nước Pháp, Bokassa
tiết lộ ông đã từng chia xẻ những bà vợ cho ông Valéry Giscard d’Estaing. (He
shared women with President VGE)
Sự nghiệp quân sự
Sau Hiệp định Genève, ngày 20-7-1954, quân đội Pháp rút ra khỏi Việt
Nam. Trong khi bà Huệ mang thai thì Bokassa theo đoàn quân viễn chinh xuống tàu
về nước.
Phục vụ 23 năm trong quân đội
Pháp, cấp bậc sau cùng là đại úy. Được thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Năm
1959, Bokassa được giao nhiệm vụ thành lập quân đội Trung Phi, và làm chỉ huy
trưởng lực lượng nầy. Ngày 13-8-1960 Pháp trả độc lập lại cho Trung Phi. Nước
Cộng Hòa Trung Phi ra đời và tổng thống đầu tiên là David Dacko.
Năm 1964, tổng thống David Dacko lập bang
giao với Trung Cộng. Một phái đoàn Trung Cộng do Meng Yieng và các viên chức
chính phủ thăm viếng Trung Phi. Họ đi khắp nơi trình chiếu những phim tuyên
truyền CNCS. Tiếp theo Trung Cộng hứa cho vay một tỷ đồng franc, không có lãi
suất.
Năm 1965, Trung Phi khủng hoảng
kinh tế và chính trị, tham nhũng hoành hành. Ảnh hưởng của Bokassa tăng lên
trong quân đội làm cho Dacko nghi ngại. Tổng thống Dacko cử Bokassa cầm đầu một
phái đoàn sang Pháp chúc mừng và dự lễ Quốc Khánh 14 tháng 7. Sau lễ Bokassa bị
cấm, không cho trở về nước.
Bokassa đảo chánh lật đổ tổng
thống David Dacko
Ngày
4-12-1977 Bokassa tự xưng Hoàng đế Đế Quốc Trung Phi.
Bokassa
vận động sự ủng hộ của Pháp và quân đội Trung Phi nên Dacko buộc phải cho về
nước. Tình trạng căng thẳng hai bên gia tăng. Ngày 31-12-1965, trong lúc Dacko
đi thăm đồn điền của một bộ trưởng chính phủ thì Bokassa làm cuộc đảo chánh, bắt
nhốt Dacko rồi sau đó buộc lưu vong qua Pháp.
Năm 1972, sửa đổi hiến pháp, lên làm tổng
thống muôn năm.
Ngày 4-12-1977 Bokassa tự
xưng Hoàng đế Bokassa Đệ Nhất, đổi tên nước từ Cộng Hòa Trung Phi (Central
African Republic) thành Đế Quốc Trung Phi (Central African Empire). Lễ xưng
vương tốn 20 triệu đô la, chiếc vòng bằng vàng nạm kim cương 5 triệu USD, nặng
2kg.
Bokassa bị truất phế và sống
lưu vong
Ngày 21-9-1979 trong khi đang viếng thăm Tổng thống
Muammar Gaddafi của Libya, thì Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing mở chiến
dịch bí mật mang tên Barracuda lật đổ Bokassa. Ông bị buộc phải sống lưu vong ở
nước Côte d’Ivoire (Ivory Coast) thời gian 4 năm, sau đó Pháp cho ông được đến
tỵ nạn chính trị ở tại lâu đài của ông tên Château d’Hardricourt cách Paris
80km.
Pháp đưa cựu tổng thống David
Dacko trở lại làm tổng thống thứ ba sau khi Trung Phi được trả độc lập.
Trong thời gian 7 năm sống lưu vong, Bokassa
viết cuốn hồi ký trong đó phàn nàn rằng chính phủ không trả đầy đủ tiền lương
hưu 23 năm của ông là quân nhân trong quân đội Pháp. Đặc biệt hơn nữa, ông tiết
lộ tổng thống Valéry Giscard d’Estaing, khi còn giữ chức bộ trưởng tài chánh
trong chính phủ Georges Pompidou, đã thường xuyên đến Trung Phi để được chung
chạ với những người vợ của mình. (He shared women with President VGE) Bokassa
cũng tiết lộ đã trao cho ông nhiều tặng phẩm trong đó có một viên kim cương 30
carats trị giá ¼ triệu franc (250,000)
Chính quyền Pháp ra lịnh tịch thu và tiêu hủy 8,000 cuốn hồi ký đó. Vụ xì căng
đan là một trong những lý do khiến cho ông Valéry Giscard d’Estaing bị thất bại
trong cuộc tái tranh cử tổng thống cuối năm 1981.
Sự hiện diện của Bokassa ở Pháp làm cho
những bộ trưởng trước kia đã từng ủng hộ ông, họ cảm thấy khó chịu.
Đó có thể là lý do khiến ông trở về Trung
Phi nơi đã tuyên án tử hình khiếm diện sau khi bị truất phế năm 1979.
Bokassa trở về Trung Phi lãnh
án tử hình
Ngày 24-10-1986 Bokassa tự ý trở về thủ đô Bangui,
nơi mà ông bị kết án tử hình vắng mặt sau vụ lật đổ hồi năm 1979. Vừa bước chân
xuống phi trường thì bị bắt giam.
Ngày 12-6-1987, Tòa kết án tử hình về 14 tội, gồm giết những người đối lập chính
trị, xa hoa phung phí tài sản quốc gia, giết hàng trăm học sinh đã phản đối việc
bắt buộc phải mua và mặc đồng phục đắt tiền do công ty của một người vợ ông làm
chủ. Những học sinh đã ném đá vào chiếc xe Rolls Joyce khi ông đi ngang qua cuộc
biểu tình. Tất cả có 180 học sinh bị bắt giam. Đêm đầu tiên ông đến nhà giam, la
hét vào đám học sinh và dùng gậy cầm tay đánh vở sọ 5 thiếu niên. Ông ra lịnh
cai tù giết bọn họ. Và cuối cùng chỉ có 27 người sống sót và ra tòa làm
chứng.
Bokassa cũng bị buộc tội ăn thịt
người (cannibalism). Các bộ lạc châu Phi có tục ăn thịt người và luật pháp Trung
Phi cấm việc đó, nhưng Bokassa đã sáng chế thịt người thành một món ăn mà ông ta
ưa thích. Đó là thịt của tù nhân.
Sau đó
năm 1988 giảm án xuống còn tù chung thân, rồi được phóng thích ngày 1-9-1993.
Tiếp tục sống ở Trung Phi và qua đời ngày 3-11-1996. (75 tuổi). Để lại 17 vợ và
54 con ruột và con nuôi.
Kết
luận
Trung
Phi hiện nay vẫn còn nằm trong tình trạng chung của lục địa đen nầy. Đó là độc
tài, tham nhũng, nghèo đói, bịnh tật, thất học, là cái vòng lẩn quẩn khó thoát
ra được. Nghèo đói sinh ra thất học, thất học sinh ra nghèo đói, nghèo đói sinh
ra tham nhũng, tham nhũng đưa đến độc tài, độc tài sinh ra tranh giành quyền
lực, đảo chánh đưa đến nội chiến, bạo loạn, bất ổn lại sanh ra nghèo đói.
Martine Bokassa và Baxí xem như định mệnh đã
an bày. Cuộc đời không biết được đâu là họa hay phúc, may hay rủi.
“Cũng
liều nhắm mắt đưa chân,
mà xem con tạo xoay vần đến đâu”
Trúc
Giang
Minnesota
ngày 15-7-2014