Cuộc phiêu lưu của bộ não Einstein sau ngày thiên tài này qua đời, người có ít tế bào thần kinh nhất nhưng vẫn sống bình thường hay họa sỹ phát lộ tài năng sau ca chấn thương não… nằm trong số những câu chuyện kỳ lạ ấy.
Chuyến phiêu lưu của bộ óc Einstein
Với thiên tài như Albert Einstein, bộ não của ông làm việc như thế nào? Cũng câu hỏi ấy, nhà nghiên cứu bệnh học Thomas Harvey đã quyết định tìm ra câu trả lời.
Trước khi qua đời vào năm 1955, Einstein có mong muốn sau này sẽ được hỏa táng, và trong nghi lễ trang trọng, bộ não cũng bị thiêu cùng. Tuy nhiên, được sự cho phép của bệnh viện Princeton, ông Thomas Harvey đã có được nguyên bộ não của Einstein trong quá trình khám nghiệm tử thi.
Tuy nhiên, Harvey không phải là một nhà thần kinh học nhưng vẫn muốn chiếm hữu bộ óc thiên tài nên các quan chức bệnh viện yêu cầu ông giao bộ óc, ông này từ chối và bị sa thải, sau đó Thomas Harvey chiếm hữu luôn hiện vật có giá trị này.
40 năm tiếp theo, những mảnh của khối óc nhà bác học Albert Einstein trải qua hành trình bôn ba khắp nơi cùng với Harvey. Ông Harvey cũng gửi những mẫu này tới một số nhà nghiên cứu nhưng hầu hết các kết quả không có gì mang tính đột phá. Thất vọng, Harvey cuối cùng trả bộ óc cho Bệnh viện Princeton và ông này đã qua đời năm 2007.
Tự xử để trị bệnh
Do gặp phải căn bệnh lạ, George - một học sinh trung học Canada hồi những năm 1980 bỗng sợ vi trùng một cách vô lý. Anh này rửa tay hàng trăm lần mỗi ngày, chưa kể liên tục tắm. Mặc dù đã vào viện điều trị, George vẫn không thể kiểm soát được hành vi của mình, đành phải ngừng việc học hành.
Một ngày vào năm 1983, George chán nản và hoang mang, anh nói với mẹ mình rằng không thể chịu đựng được nữa. Người mẹ buột miệng: “Nếu cảm thấy quá tồi tệ, tự kết thúc bằng cách bắn vào mình đi”. Nghe thấy thế, anh ta liền vớ lấy khẩu súng lục, đưa vào miệng và bóp cò. Viên đạn xé xuyên hộp sọ của George, gây tổn thương thùy trước bên trái - phần của não gây ra chứng bệnh của người này. May mắn thay, George sống sót, và khi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, anh nhận thấy nỗi sợ vi khuẩn của mình biến mất.
Người gần như không có não
Các bác sĩ biết khi Jacques còn nhỏ, ông đã bị tràn dịch não. Qua máy quét, họ kinh ngạc phát hiện, phần lớn đầu của Jacques chứa đầy chất lỏng. Thông thường, dịch não tủy đóng vai trò như một hệ thống đệm bao bọc xung quanh não nhưng trong trường hợp của Jacques, do lưu thông bị tắc, dịch não tủy ứ đọng trong não, tạo sức ép làm cho não của ông giảm tới 50-70%.
Nhưng kỳ lạ thay, Jacques vẫn sống tốt. Trong khi chỉ số IQ của ông chỉ có 75 nhưng ông có một công việc ổn định, lập gia đình và không gặp khó khăn khi tương tác với những người khác. Qua thời gian, bộ não đó đã thích nghi với tất cả những áp lực, mặc dù Jacques có lẽ là người có ít tế bào thần kinh nhất.
Cặp song sinh đọc ý nghĩ của nhau
Krista và Tatiana Hogan sinh ngày 25-10-2006 là cặp song sinh Canada dính nhau phần đầu duy nhất hiện còn sống. Tháng 8- 2007, các bác sỹ tuyên bố 2 bé gái không thể tách rời do khả năng bị liệt rất cao. Cả thế giới trong 2,5 triệu ca sinh chỉ có 1 trường hợp hiếm hoi như vậy và đặc biệt hơn, Krista và Tatiana không chỉ tương đối khỏe mạnh mà còn có sự kết nối lạ lùng.
Ví dụ, hai đứa trẻ cùng khóc nhưng khi nhét núm vú giả vào miệng một bé, bé kia cũng nín. Có lần thử nghiệm, một bé xem truyền hình, bé kia dù nhìn nơi khác nhưng cũng cười theo những gì đang xảy ra trên màn hình. Các nhà khoa học tin rằng hai bé này chia sẻ một cấu trúc độc đáo mà giải phẫu thần kinh gọi là “cầu nối vùng đồi thị” - cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý cảm giác và tạo ra ý thức.
Năm 2011, qua quét não, các bác sỹ sửng sốt phát hiện Krista và Tatiana có thể chia sẻ suy nghĩ cá nhân và nhận thức của nhau, vì thế, cuộc sống dù khó khăn, hai bé sẽ luôn có nhau để hỗ trợ.
Khả năng thoát xác
Năm 2012, một sinh viên tâm lý học, tạm gọi là Reese trình bày với Giáo sư Claude Messier và Andra Smith thuộc Đại học Ottawa (Canada) rằng, cô thường xuyên thoát ra khỏi cơ thể mình và thậm chí có thể chủ động việc này. Reese kể, những chuyện lạ lùng đến với cô từ những giấc ngủ trưa khi còn học mẫu giáo. Lớn lên, cô có cảm nhận rõ hơn cảm giác bồng bềnh và tự mình nhìn thấy cơ thể của mình trên giường hoặc sàn nhà.
Đương nhiên, Giáo sư Messier và Smith nghi ngờ nhưng khi đưa Reese vào máy chụp cộng hưởng từ, họ nhận thấy cứ khi nào nữ sinh viên này “thoát xác” là phần vỏ não chịu trách nhiệm tạo ra hình ảnh lại bị vô hiệu hóa. Thực tế, toàn bộ phía não phải của cô này không hoạt động, nhưng bên trái thì hoạt động tích cực. Giáo sư Messier và Smith cho rằng Reese trải qua một loại ảo giác, nó giống như một giấc mơ, trong đó bạn có thể thoát ra ngoài cơ thể mình.
Họa sỹ bất đắc dĩ
Năm 1988, khi 35 tuổi, Jon Sarkin, người Mỹ trong lần đi đánh golf đột nhiên bị tổn thương dây thần kinh thính giác, dẫn đến ù tai không nghe thấy gì. Hy vọng dập tắt những tiếng ù không ngừng này, Sarkin đã trải qua một ca phẫu thuật nhưng ông lại bị đột quỵ. Ca đột quỵ đó gây bất ngờ ở chỗ, Sarkin bỗng cảm thấy thôi thúc phải vẽ tranh.
Ông vẽ không ngừng nghỉ những phác thảo về các bệnh nhân, những hình dạng nguệch ngoạc hoặc các khuôn mặt kỳ lạ. Có bữa ông phải ngừng ăn để ghi lại những ý tưởng trong đầu. Tài năng nghệ thuật bất ngờ phát lộ sau chấn thương não trong y văn thế giới mới ghi nhận có 3 trường hợp. Năm 1993, Sarkin bắt đầu mở một studio nghệ thuật. Tiếng tăm của họa sỹ này ngày càng vang xa, và giờ nếu muốn sở hữu một bức tranh của Jon Sarkin, người ta sẽ phải bỏ ra ít nhất 10.000 USD.
Người thực vật biết “nói”
Scott Routley sống trong tình trạng thực vật sau một tai nạn xe hơi gây chấn thương não nặng và trong 12 năm, anh hoàn toàn không có phản xạ.
Năm 2012, Giáo sư Adrian Owen và Tiến sỹ Lorina Nacia của Đại học Western Ontario, Canada đã tiến hành một thử nghiệm mới trên bệnh nhân hôn mê như Scott Routley để xem những người sống thực vật thực sự có ý thức hay không. Giáo sư Owen theo dõi Routley bằng một chiếc máy quét não, khi nói với bệnh nhân 38 tuổi rằng hãy tưởng tượng anh ta đang đi bộ trong nhà. Đột nhiên, thiết bị báo hiệu não của bệnh nhân hoạt động.
Đến năm 2013, bộ đôi nói trên đã phát minh ra một kỹ thuật đơn giản hướng dẫn Routley trả lời bằng cách nghĩ “có” hoặc “không”. Rõ ràng, công việc này có ý nghĩa đột phá khi cho phép bệnh nhân thực vật có thể giao tiếp với bác sĩ. Quan trọng là, dù bị mắc kẹt trong cơ thể của mình, những bệnh nhân này cuối cùng đã có cách tiếp cận với những người xung quanh.
Theo CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét