Chả biết có phải như các cụ bảo “no cơm, ấm cật,
dậm dật tứ chi” không, mà bây giờ nhiều chuyên mục trên báo đài, tạp
chí, đến bờ tường, cột điện cũng quảng cáo cường dương bổ thận, chữa yếu
sinh lý!
Cuộc ăn nhậu đến lúc cao trào nào cũng
ỏm tỏi con nọ thứ kia tăng cường sinh lực! Địa chỉ làm ra các loại thuốc
tù mù công dụng thăng hoa cứ thế mọc ra tưng bừng như nấm sau mưa…
Con gì, thứ gì cũng… ngâm!
Nói ra dễ bị quát: So gì với cái thời
bao cấp! Nhưng quả thật suốt những năm toàn dân xanh mặt ngô sắn thay
cơm, ăn khoai trừ bữa, chả mấy ai quan tâm tới chuyện “yếu sinh lý”! Còn
thời nay, đề tài này thành món chả thiếu được nhiều diễn đàn khi trà
dư, tửu hậu.
Mới đây, một nhóm khách Tây tình cờ
được mời vào hầm rượu vô số tĩn hũ ngâm hàng trăm loại động thực vật từ
bò sát da trơn tới hai chân bốn cẳng; từ tắc kè bìm bịp, bổ củi sâu
chít, cá ngựa hải sâm, trứng rùa ổ rắn, sâm nhung đại bổ, dị thảo kỳ
hoa, ngẩu pín ngọc dương nhỏ to đủ cỡ.
Nghe đại ca ngành gỗ tự hào giới thiệu
tất tần tật các bảo vật này đều thỏa mãn nhu cầu bổ thận cường dương
của gia chủ, khách đã nhìn nhau sững sờ, tỏ ý… thán phục.
Chỉ riêng cô tiến sĩ sinh vật học trẻ
nhất kinh hãi: Trời ơi, bao nhiêu bào thai các loài có tên trong Sách Đỏ
đều bị sưu tầm ngâm rượu uống, thế thì bảo tồn thiên nhiên hoang dã sao
được? Chủ hầm rượu nghe dịch qua, khoái chí tự nhận: Tớ đây mới là loài
hoang dã số một, tự mình phải lo bảo tồn giống cho mình trước đã!
Chuyến công tác tuần rồi lên huyện
giáp biên, tôi gặp một vụ trẻ em bị ong bò vẽ thui suýt chết. Sau 3 ngày
cấp cứu tích cực, em hồi tỉnh, mặt và đầu còn lộm cộm mấy cục sưng to
như trái ổi, thì thào kể: Chú T. ở quán nhậu S. dặn cháu nếu lấy được
trọn ổ ong bò vẽ, bán cho chú ngâm rượu chú trả cho ba trăm nghìn. Cháu
đề phòng kỹ lắm rồi mà bọn ong dữ quá…
Tôi ngắm kỹ tổ ong bò vẽ trên cành me
sau Vườn Quốc gia Yok Đôn. Cái tổ tinh xảo như một công trình nghệ thuật
được bầy ong tự xây lủng lẳng đã lâu lắm, chả ai dám lại gần.
Tôi hỏi chú T. sao lại đành lòng dụ dỗ
trẻ em lao mình vào nguy hiểm? Chú T. nồng nặc hơi rượu thật thà khai:
Mấy anh Hai bảo sách thuốc gọi tổ ong là “động phòng” gì đó, đoán là thứ
ngâm rượu uống vô sung dữ lắm nên mới đặt mua! Thầy thuốc đứng bên ôm
bụng cười ngặt nghẽo, giải thích: Đông y gọi tổ ong bò vẽ là “Lộ phòng
phong”, dùng đốt cháy thành than, tán bột, rắc chữa vết thương lở loét,
chả liên quan gì tới chuyện phòng the cả!
Giá nào cũng nhậu
Chốn dân dã đồng quê, loại mồi được cỡ
tráng niên khen cường dương thường là thứ dễ kiếm, không tốn nhiều
tiền. Hợp cảnh, tụ tập nhau xếp bằng trên chiếu như mối rang, dế nướng,
nhộng xào, cháo sao biển, nhện đất chiên, đuông giầm mắm v.v… uống kèm
rượu ngâm cặp cắc kè bắt được trong vườn, hay hũ Ama Kông một thang năm
trăm nghìn ngâm hơn chục lít Bình Tây, chắt cốt mấy lần vị vẫn chưa hết
đậm! Cường gì chả rõ, cứ hết mồi cạn chai là ông nào ông nấy… lăn quay,
ngáy ran như máy nổ!
Tỉnh nhỏ, lớp Luật tại chức cậu L.
theo học đa số là cán bộ ghi danh, lấy thêm mảnh bằng bổ sung cho hợp lệ
hồ sơ tiến chức. Thời gian lên lớp phần lớn học viên ngủ gật, giảng
viên nói gì cũng gật gù như vịt nghe sấm, chỉ cần cuối tuần không quên
nộp tiền thay nhau đưa thầy kèm cô đi thư giãn.
Trước kia, ốc vòi voi-còn gọi là con
tu hài, ngư dân cho là loại thường thôi chả trân quý gì. Nhưng bây giờ
nó đắt gấp bốn- năm lần sò huyết, bốn trăm nghìn một ký, đặt trước cũng
thi thoảng mới có, chỉ vì- cậu L. kể: Thầy X. bảo khoái hình dạng của
nó, ngó y như “thằng nhỏ”, nhậu vô chắc sung vì “ăn gì bổ nấy” !
Cậu T. không biết tại thầy ở tỉnh lẻ
mới chịu dùng ốc vòi voi nội địa, quá rẻ so với loại tu hài nhập khẩu từ
Canada to dài, độ khủng vượt trội, đồn thổi “tráng dương thần kỳ”. Loại
này giá tùy loại, trên dưới 2 triệu đồng/ ký, có con giá tới 4-5 triệu
mà có trò thành phố không tiếc tiền mời thầy “ngự thiện” trước khi phết
điểm.
Tất nhiên, ít thầy quen nhậu đặc sản
cường dương so với đại gia mới phất, cò chạy dự án, cò chuyên “vận động
hành lang” đủ thứ từ tỉnh lên bộ. Một cò cỡ khủng cho biết những món
thường khiến sếp hài lòng về tăng cường sinh lực là vi cá mập, súp yến
huyết, gỏi tôm hùm, sốt bào ngư.
Khi cần chốt hạ vấn đề hay liên hoan
trúng quả, nếu vinh dự được đón vài ba sếp lớn, chỉ cần mỗi sếp xơi một
em rùa vàng đại bổ “hấp thụ linh khí chốn đại ngàn” giá 50 triệu đồng
mỗi con bày vừa lòng đĩa, thì vèo bay tức thì cả cục tiền vài ba trăm
triệu.
Phét lác kinh hồn
Quảng cáo thứ gì tất nhiên cũng nhằm
mục đích lôi cuốn khách hàng, khiến người ta thích thú hưởng ứng, chi
xài không tiếc! Quảng cáo thuốc cường lực cho đối tượng “sinh lý yếu”,
bất kể yếu tưởng tượng hay liệt dương luôn rồi, xưa nay vốn lắm chiêu
trò thêm mắm dặm muối cho vạn phần hấp dẫn.
Bác sĩ H. thâm niên khá dày về nam
khoa, chuyên tư vấn chuyện “khó nói” cho quý ông, kể tuần nào ông cũng
nhận rất nhiều lượt câu hỏi: có nên mua thuốc X như báo Q, thuốc Y như
tạp chí Z giới thiệu là “đệ nhất tăng cường sinh lực” , “kéo dài thời
gian thăng hoa tột đỉnh” hay không ? Để đỡ mất công lặp đi lặp lại mãi
một câu trả lời y hệt, ông ghi âm luôn mẫu câu này, khi cần chỉ việc bấm
mở: Có chắc là bạn yếu tới mức cần dùng thuốc hay không, nếu bạn chưa
gặp bác sĩ nam khoa hãy đến bệnh viện trình bay, khám chữa?
Thị trường thời nay, chả ai thống kê
nổi có bao nhiêu loại thần dược trị chứng bất lực từ Tây sang Đông. Thứ
nào cũng tự nhận là “hiệu quả nhất”, “uy tín nhất”, “được tin dùng
nhất”, “đã thử nghiệm thành công trên diện rộng”.
Tuy nhiên chính giới dược sĩ khẳng
định: Ngoại trừ một số rất ít sản phẩm được đầu tư nghiên cứu, bào chế
nghiêm túc, quảng bá chừng mực, chỉ định rõ ràng, còn tuyệt đại đa số
ngày càng gia tăng độ phét lác tít mù. Không chỉ những cây bút chuyên
viết PR thuê trong bóng tối phóng bút viết bừa, những bác sĩ giỏi khi đã
chịu để kẹp chặt vào tỉ lệ hoa hồng cao ngất của các hãng dược chả ngại
kê toa bừa bãi, mà cả các cơ quan chức năng có đủ uy quyền cũng lờ như
không biết những kiểu quảng cáo giật gân lừa dối khách hàng, gây nhiễu
thông tin.
Nhóm phóng viên điều tra làm việc cho
một tạp chí Y Dược Mỹ từng thực hiện những bài viết phanh phui chiêu trò
“hù dọa để bán hàng” của không ít sự kiện quảng bá dược phẩm.
Ví dụ năm 1997 Hội bệnh tiết niệu Mỹ
tổ chức chiến dịch nhận thức về chứng bất lực ở quy mô quốc gia, dự báo
đến cuối năm 2005 có khoảng 47 triệu đàn ông trên 40 tuổi ở Mỹ bị bất
lực.
Ít người biết nhà tài trợ cho chiến
dịch là Công ty Vivus chuyên sản xuất thuốc cương dương hiệu Muse giá 10
USD/viên. Người bị bất lực phải dùng trung bình 2 viên mỗi tuần, nếu
tin theo Hội này thì doanh số Vivus riêng tại Mỹ mỗi năm đã đạt tới vài
tỷ đô la.
Ở ta gần đây nhiều báo đăng quảng cáo
thuốc Z tăng cường độ cương cứng, phát triển cả về độ to và dài, câu chữ
hoành tráng bạo liệt hết cỡ! Theo đó, đàn ông kém cỏi cỡ nào xài loại
thuốc bào chế từ đông trùng hạ thảo và con hàu biển này vô ngay tuần đầu
cũng “Lập tức bổ sung năng lượng đàn ông, giống như cục pin đã được nạp
đầy điện”. Xài tới tuần thứ tư thì “tái tạo tế bào, kích cỡ thay đổi
theo chiều hướng tăng, nâng cao chất lượng chăn gối, khiến khoái cảm của
cả nam và nữ đều đạt đỉnh điểm”.
Bạn tôi thuộc loại “máu” vừa đọc xong
trang quảng cáo lập tức nhấc máy điện thoại đặt hàng mua cho cả đôi,
nhắc nhau uống tới hết tuần thứ tư vẫn chưa thấy cái gì “ rất dài và rất
to” ra cả! Gọi số máy tư vấn, được an ủi: Chắc ông bà đô cao, phải xài
thêm một vài liệu trình nữa ! Mẹ vợ là chuyên gia dinh dưỡng, nghe con
gái thở than, ngán ngẩm quát: Mỗi liệu trình 4 tuần mất gần chục triệu
mua thuốc. Tiền đó tụi bay mua đồ ăn tẩm bổ, tăng giải trí, bớt làm
việc, có phải khỏe hơn không ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét