VIẾT CHÚT GÌ CHO NHAU.. ĐI NHA !

GUESTBOOK



Photobucket Blog

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Chuyện khó tin nhưng có thật : Xin hãy tha thứ cho ông tôi!

 Ông tôi trước khi lâm chung có kể cho cha tôi nghe một câu chuyện bí mật. Ông linh cảm được quỹ thời gian sống của mình đã cạn kiệt đến giây phút chót. Sau khi kể câu chuyện này, ba ngày sau, ông trút hơi thở cuối cùng trên tay cha tôi.
Chuyện khó tin nhưng có thật (số 48): Xin hãy tha thứ cho ông tôi!
Sáng hôm đó, ông tắm rửa sạch sẽ, mặc bộ áo dài và nói với cha tôi rằng, đúng giờ ngọ, ông sẽ ra đi. Trước khi mất, ông đã chuẩn bị sẵn bài điếu văn cho mình, dặn các con cháu lo ma chay tang lễ tỉ mỉ đến nơi đến chốn. Ông mất, cha tôi hụt hẫng mất một thời gian dài.
Chuyện của ông nội tôi xảy ra từ hồi trẻ. Hồi đó, ông mới lên 9 tuổi. Ông chơi rất thân với một người bạn cùng trang lứa như anh em ruột. Gia đình của Khố (do sinh ra đã mất cha nên mẹ hay gọi là thằng Khổ, sau này khai sinh đổi dấu thành Khố), bạn ông nội tôi khá éo le. Cha của Khố không may bị bệnh mất sớm khi Khố chưa lọt lòng mẹ. Mẹ sinh ra Khố trong nước mắt, trong phiền muộn. Ông tôi nói, tại vì khi mang thai Khố, mẹ Khố khóc suốt nên sinh Khố ra có gương mặt rất buồn. Đôi mắt lúc nào cũng buồn rười rượi. Khố hiền lắm, có phần nhút nhát. Ông nội tôi thì hiếu động và nghịch ngợm. Mọi trò nghịch gần như do ông nội tôi khởi xướng, Khố vừa tham gia, vừa run nhưng vẫn thích tham gia. Nhất là những vụ trèo tường trộm ổi hàng xóm.
Khố lên 5 tuổi, mẹ Khố gửi Khố cho bà ngoại để đi bước nữa. Cha dượng của Khố là lính đội trong làng, tính tình rất hách dịch và dữ. Thương con côi cút, mẹ Khố năn nỉ xin chồng mang con về nuôi. Lên 9 tuổi, Khố mới lại được mẹ đưa về. Lúc này mẹ đã có thêm 2 em, Khố về thành lao động chính trong nhà, chăn trâu cắt cỏ, tham gia ruộng vườn cùng mẹ. Cha dượng Khố tính hách dịch, nói to như quát và rất nóng tính. Chuyện gì không nên không phải là ông đánh ngay, ngay cả mẹ Khố, nhiều khi cũng hứng chịu những trận đòn phũ phàng của chồng vì làm phật lòng chồng. Tính khí dữ tợn như vậy nhưng ông cũng có tình thương. Ông cho Khố đi học, nói rằng sau này học được thì sẽ nên người. Khố rất sợ cha dượng, đi học hay làm gì cũng vì sợ cha dượng.
Chính thời gian Khố lên ở với mẹ và cha dượng là thời gian Khố và ông nội tôi quen nhau rồi chơi thân với nhau. Có chuyện gì Khố cũng tâm sự và kể chuyện cho ông nội nghe. Nhà có thức ăn gì ngon, Khố cũng lén giấu một ít mang cho bạn. Nhà ông nội tôi quá nghèo, vì thế ông nội tôi thường xúi bẩy Khố trộm thức ăn ở nhà mang ra ngoài đồng cả hai đứa chăn trâu và cùng ăn. Một lần cha dượng bắt được Khố lén lấy đĩa xôi cúng mang đi, cha dượng đánh cho Khố một trận thừa sống thiếu chết. Cuộc sống của Khố dù không thật thoải mái như những đứa trẻ đủ cả cha lẫn mẹ, song cũng sẽ có tương lai, có hạnh phúc khi Khố được nuôi dạy tử tế, được đến trường đi học. Thế nhưng có một chuyện đã xảy ra, thành một bước ngoặt lớn trong đời Khố, làm cho cuộc đời của Khố đau đớn. Và buồn thay, nguyên nhân gây nên cuộc đời bất hạnh của Khố thêm một lần nữa là do ông nội tôi gây ra. Và dù không trả giá, thì ông nội tôi cũng đã đeo đẳng nỗi ân hận đó cho đến tận phút cuối cùng.
Chuyện là thế này. Cha dượng của Khố là lính đội, được cấp một chiếc xe đạp để đi tuần và đi công tác lên huyện lên tỉnh. Lần đầu tiên Khố thấy một chiếc xe đạp thì thích lắm. Trẻ con, lại là con trai, rất thích tò mò nghịch ngợm nhưng Khố chỉ dám đứng từ xa nhìn vật báu mà thèm rõ dãi, chỉ mong được sờ tay vào xe, được ngồi lên xe để đạp đi như cha dượng vẫn thường làm. Cả làng cả xóm, chỉ mình cha dượng có chiếc xe đạp. Cha dượng đi ra đường, hàng đàn trẻ con chạy theo nhìn, người lớn đang đi làm cũng dừng lại đứng ngây ra nhìn.
Từ ngày cha dượng có xe đạp, trong câu chuyện của ông nội tôi với Khố chỉ quẩn quanh cái xe đạp. Xe đạp màu gì, ghi đông, tay phanh, bánh, lốp, săm, xích, v.v... ra sao. Cả ông nội tôi và Khố đều có một ao ước được ngồi lên chiếc xe đạp ấy và tập đi. Ông nội tôi đã vạch ra một kế hoạch táo tợn để Khố lấy trộm được chiếc xe đạp của cha dượng rồi đưa nhau ra đồng tập đi. Ông nội tôi dặn Khố chờ đêm xuống, khi nào cha dượng đã ngủ thật say thì mới dắt xe đạp của cha ra đồng có ông nội tôi chờ sẵn và tha hồ tập. Gần sáng, cứ thế dắt xe đạp về nhà và lẻn vào giường ngủ, đảm bảo cha dượng sẽ không thể biết được.
Khố cũng thích tập xe lắm, ao ước được một lần làm chủ chiếc xe kỳ diệu ấy nên mọi nỗi sợ hãi về người cha hách dịch nóng tính đã bị ham muốn trẻ con lấn át. Rình mò mãi, chờ đến mấy tháng trời mới được một hôm cha dượng đi ăn cỗ về say rượu quên cả khóa xe và ngủ tít. Thường thì cha dượng quý chiếc xe lắm, quý đến nỗi đi đâu về là ông lau rửa kỳ cọ sạch bóng không một vết bẩn, rồi nhấc treo lên hai cái móc sắt thả từ trên kèo xuống giữa nhà. Cẩn thận hơn, ông còn khóa cả một chiếc khóa dây to đùng.
Thời cơ thuận lợi đã đến, đêm khuya, Khố vừa run vừa tháo chiếc xe xuống và dắt ra chỗ hai đứa đã ước hẹn. Vì không biết chắc chắn khi nào có thể lấy trộm được xe đi tập nên ông nội tôi và Khố quy ước với nhau đêm nào cũng ra chờ nhau ở ngay gốc đa đầu làng. Nếu nửa đêm mà không thấy Khố ra thì ông nội tôi biết rằng đêm đó Khố chưa lấy trộm được xe đi tập. Đêm ấy, sau khi vất vả dắt được chiếc xe đạp ra chỗ hẹn, Khố không thấy ông nội tôi đâu. Trời đất xui khiến thế nào hôm đó ông tôi lại sốt cao, không đi đến chỗ hẹn được. Khố dắt xe ra không thấy bạn, bèn dựng xe dựa vào gốc đa chạy một mạch về làng đến nhà ông tôi để gọi. Đến nơi, biết ông tôi ốm, đang đắp chăn rên hừ hừ, Khố bật khóc. Khố vô cùng sợ hãi vì kế hoạch không thành, bây giờ một mình Khố xoay xở với chiếc xe đạp ra sao. Khố run như cầy sấy, vừa khóc vừa hỏi ông nội tôi phải làm sao bây giờ. Ông tôi dù đang mệt lắm vẫn nắm lấy tay bạn động viên bạn thật bình tĩnh, trở lại gốc đa và dắt chiếc xe đạp về nhà ngay, đợi hôm sau ông nội khỏi ốm, lại lập mưu tính kế tiếp. Khố nghe ông tôi nói vậy, gạt nước mắt cắm mặt chạy trở lại gốc đa.
Nhưng sự đời đôi khi thật trớ trêu và tàn nhẫn. Ngay sáng hôm sau cả làng cả xã nơi ông tôi ở đã đồn ầm ỹ lên rằng thằng Khố nhà thầy đội Nha ăn trộm xe đạp bỏ đi biệt xứ mất rồi. Mẹ Khố bị chồng đánh thâm tím mặt mày vì cái tội có con riêng hư thân mất dạy ăn trộm xe bỏ nhà đi. Mẹ Khố ôm gương mặt và thân thể bầm dập chạy đến nhà ông nội tôi ôm lấy ông nội mà khóc hỏi có biết thằng Khố trốn đâu không. Ông nội tôi hãi hùng, vì đêm qua, Khố còn đến tìm ông, hai người còn định tập xe đạp cơ mà. Sao Khố lại không dắt xe đạp trở về nhà, sao Khố lại bỏ đi. Ông nội tôi không dám hé răng nửa lời về chuyện đêm qua, cứ lắc đầu lia lịa. Gia đình ông nội tôi sợ liên lụy đến thầy đội Nha, nên quờ chổi quét nhà, đuổi khéo mẹ Khố về. Ông nội tôi không thể nào quên được ánh mắt thẫn thờ, bàng hoàng và đau xót của mẹ Khố khóc nức lên gọi tên Khố con ơi, con ở đâu, sao làm điều xằng bậy dại dột không về.
Ông nội tôi khỏi ốm luôn, lao đi tìm Khố. Bất cứ địa điểm nào hai đứa thường ngày vẫn chơi với nhau, tụ tập bên nhau, ông nội tôi đều lùng sục. Ông nội tôi nhận định, Khố nhút nhát như vậy, không thể có khả năng ăn trộm xe đạp rồi bỏ đi biệt được. Ông cho rằng, Khố gặp sự kiện gì đó, sợ cha dượng đánh mà không dám về. Nhưng sợ liên lụy đến chiếc xe, sợ thầy đội Nha tính tình dữ tợn hách dịch, sợ cha mẹ đánh, ông nội tôi đã im thin thít không hé răng chuyện đêm ấy Khố lén cha dượng mang xe ra đồng để hai đứa tập. Một đứa trẻ lên 9 lên 10 như ông nội lúc ấy, quá non nớt và khờ dại để không đủ hiểu những hiểm nguy đang xảy ra với Khố. Thế là ông giữ mọi bí mật trong lòng, lúc nào cũng chỉ mong ngóng một ngày Khố trở về. Ông không đủ lớn để hiểu rằng, chính sự im lặng của ông đã đẩy Khố đi xa hơn, rơi vào vòng nguy hiểm.
Nửa năm sau, chiếc xe được tìm thấy ở trên huyện trong tay một nhóm du thủ du thực. Nha Cảnh sát điều tra thì chúng khai nhặt được chiếc xe ở gốc đa đầu làng VG. Chiếc xe để chỏng chơ ở đấy, mà bên cạnh không có một bóng người, vì thế chúng mang đi và bán mua đổi chác từ nhóm này qua nhóm khác. Cuối cùng thì đội Nha cũng tìm lại được chiếc xe đạp sau gần nửa năm lưu lạc nhưng mẹ của Khố thì ngóng đợi đến đỏ con mắt cũng không bao giờ còn nhìn thấy thằng con trai sinh ra trong khổ hạnh là Khố còn trở về.
Chuyện của Khố cũng chỉ đến mấy chục năm sau, khi ông nội tôi lên chức ông rồi mới tìm được ngọn ngành. Suốt trong quãng đời của mình, không lúc nào ông nội tôi nguôi nghĩ đến Khố và đi đến đâu ông cũng có ý thức tìm xem Khố giờ đang lưu lạc nơi nào. Cho đến khi, mọi ý nghĩ đã bị thời gian làm cho tuyệt vọng, ông nội tôi quá day dứt khi mẹ đẻ của Khố khi chết còn không nhắm được mắt, vuốt mãi mắt cũng không khép được. Ông nội tôi và dân làng đều hiểu, bà thương thằng con trai lưu lạc, không tìm được đường về. Bà ân hận xót xa vì đã sinh ra một đứa con có số phận quá đau khổ. Trước khi chết, bà nói với ông nội tôi rằng, bà không làm giỗ cho Khố vì vẫn tin nó còn sống ở đâu đó, thế nào nó cũng sẽ trở về.
Có ai ngờ đâu, Khố đã chết, chết ngay sau đêm hôm Khố lấy xe ra đồng để cùng ông nội tôi tập xe chỉ ba ngày. Khố chết ở sau ngôi chùa PT cách làng chỉ 20km. Một buổi sáng, chú tiểu ở chùa PT ra quét sân gom lá rụng sau chùa phát hiện ra một cậu bé trạc 9-10 tuổi ngồi co ro trong hốc cây đa già. Chú tiểu lại gần phát hiện cậu bé đã ngồi chết khô tự bao giờ. Nhà chùa mai táng cậu bé ở sau chùa.
Sở dĩ ông nội tôi biết được chuyện Khố chết là do chục năm lại đây, không chịu đựng nỗi những dằn vặt trong quá khứ với Khố, ông nội tôi trong một lần đi lễ chùa PT đã tâm sự lại câu chuyện day dứt lương tâm với sư trụ trì chùa. Nhà sư giật mình hỏi kỹ ông nội tôi Khố mặc quần áo màu gì, tạng người thế nào trong cái đêm ấy. Có phải ngón tay út của Khố bị cụt mất một đốt do băm bèo không. Ông nội tôi thừa nhận đúng như vậy. Nhà sư bèn đi lên bàn Tam Bảo gõ mõ tụng kinh. Hơn giờ đồng hồ tụng kinh xong, nhà sư dẫn ông nội tôi ra sau chùa chỉ vào một ngôi mộ khắc tên nhà Phật và bảo với ông nội tôi mộ của Khố đó. Ông nội tôi sụp xuống trước ngôi mộ và khóc.
Sau lần ấy, ông nội tôi về làng và thông báo cho họ hàng của Khố lên chùa nhận mộ Khố và làm giỗ cho Khố. Mẹ Khố đã mất, cha dượng cũng mất lâu rồi, giờ chỉ còn lại anh em cùng mẹ khác cha đưa Khố về. Ông nội tôi vô cùng đau đớn. Chính trong đêm ấy, khi Khố từ nhà ông nội tôi chạy trở ra nơi để chiếc xe đạp ở gốc đa, thì chiếc xe đã bị kẻ trộm dắt đi mất. Quá sợ hãi, Khố bỏ nhà đi lang thang không ăn không uống, rồi lết lên đến chùa PT ngồi co ro dưới gốc đa cho đến khi chết khô.
Ông nội tôi kể xong câu chuyện này cho cha tôi, cho các con cháu, ông thở hắt ra, nước mắt giàn giụa. Ông dặn chúng tôi rằng: "Dù cho bất kỳ điều gì xảy đến với mình, đáng sợ đến đâu thì các con cũng phải bình tĩnh đối diện với nó. Không được phép sợ hãi. Sợ hãi sẽ thành ra hèn nhát, hậu họa sẽ khôn lường". Ông nội tôi nói ra được câu chuyện này thì ba ngày sau ông tịnh khẩu không nói được lời nào nữa. Sau ba ngày, ông nội tôi đi.
Theo ANTG cuối tháng

2 nhận xét:

  1. Câu chuyện thật là thương tâm, gần giống như ở Việt Nam lúc thời đại tân kỳ chưa phát triển, câu kết luận của chuyện đã bao hàm chính xác ý nghĩa giáo dục cho con người.

    Trả lờiXóa