VIẾT CHÚT GÌ CHO NHAU.. ĐI NHA !

GUESTBOOK



Photobucket Blog

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Cà phê chồn giá nghìn đô ở Đà Lạt

Trang trại cà phê chồn ở Đà Lạt bán sản phẩm với giá 20 triệu đồng/kg, nhưng lượng sản xuất còn hạn chế, chỉ 250 kg cà phê nhân/năm.


Sau khi nhấm nháp hương vị của ly cà phê chồn tại khu biệt thự cổ Cadasa vào một buổi sáng cuối tuần, bản tính tò mò trỗi dậy thôi thúc tôi tìm đến trang trại cà phê chồn nằm lọt thỏm trong thung lũng giữa bốn bề thông reo thuộc khu Trại Hầm (phường 10, thành phố Đà Lạt) sau khi vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo không dành cho người yếu tim.

Anh Nguyễn Quốc Phong, Phó giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Cà phê Chồn Trại Hầm Đà Lạt, dẫn tôi tham quan khu chuồng trại nuôi chồn. Trong ánh nắng chiều vàng nhạt của mùa mưa cao nguyên, màu sắc xám đen của những con chồn nổi bật trong chuồng, bộ lông con nào nhìn cũng mướt. Chúng được nuôi trong chuồng bằng lưới sắt, mỗi chuồng có chiều cao khoảng 2m, ngang 1,6m, nền chuồng được tráng xi măng sạch sẽ, trên đó để sẵn một đĩa thức ăn là những trái cà phê chín đầu mùa để chúng có thể leo xuống chén bất cứ lúc nào đói, nhưng thường chúng ăn vào buổi tối chạng vạng.

Khu chuồng được gắn đồng hồ đo nhiệt độ, nếu trời lạnh quá sẽ phủ lên trên mái tôn một lớp bạt, cỏ hay rơm cho bớt lạnh. Toàn bộ chồn nuôi được vào sổ ghi chép, có đăng ký với cơ quan kiểm lâm, đảm bảo các điều kiện vệ sinh kiểm dịch theo quy định.

Anh Phong cho biết khoảng năm 1992-1993, công ty mua 2ha đất của bà con nhà vườn ở xung quanh để chuyển sang trồng cà phê Moka - một loại cà phê Arabica đặc sản của cao nguyên Langbiang và vùng lân cận. Giống cà phê được tuyển chọn kỹ từ vùng Cầu Đất - vùng đất trồng cà phê và trà nổi tiếng từ thời Pháp - nơi đặt Sở Trà đầu tiên của Việt Nam từ năm 1927. Cách đây hơn 1 năm, công ty bắt đầu nuôi chồn.


Chồn đã được thuần hóa rất thân thiện với người.

 Thời gian đầu vì thời tiết lạnh quá một số chồn bị chết, giờ đây đã có kinh nghiệm nên công ty mạnh dạn nuôi khoảng 60 con. Trong đó, con lớn nhất có trọng lượng khoảng hơn 3kg và có 7-8 con đang trong quá trình sinh sản. Với số lượng này, trên 2ha cà phê Moka đủ thức ăn cho chồn ăn quanh năm.

Mỗi lần cho ăn, người ta để khoảng 5 lạng cà phê chín còn nguyên vỏ trên dĩa, chồn sẽ chọn quả chín mọng ăn khoảng 2 lạng và sau 1-2 ngày tiêu hóa, chồn thải ra 1 lạng cà phê nhân. Người làm đi từng chuồng để lượm từng cục cà phê cuộn dính chặt với phân chồn.

Sau đó đem ủ 5-6 tháng rồi rửa sạch, phơi khô và đưa lên rang, khi khách mua uống tại chỗ hoặc mang về mới xay ra. “Cà phê ở đây theo nguyên lý cà phê sạch hoàn toàn không pha bất cứ một thứ tạp chất, hóa chất nào, khách hàng có thể mang mẫu đi phân tích và nếu có phát hiện tạp chất hay hóa chất công ty sẽ hoàn tiền lại cho khách hàng”, anh Phong khẳng định.

Không chỉ độc đáo trong cách tạo nên hạt cà phê nhân bằng dịch vị của chồn mà cách pha và thưởng thức cà phê chồn cũng rất khác lạ. Đó là một dụng cụ pha chế được sản xuất ở Nhật Bản (hiệu Harico) theo kiểu cà phê kho, dùng cồn đốt nóng ở dưới (khoảng 90 độ C cho cà phê bốc hơi nở ra hết, khi rút lửa cà phê bị tụt nhiệt độ sẽ tự động chảy xuống ly và có được một tách cà phê nguyên chất thoang thoảng mùi hương cà phê.

Để thưởng thức đầy đủ mùi vị cà phê chồn, khách hàng cần không hút thuốc và nên uống không pha đường. So với cà phê nguyên chất thông thường, cà phê chồn mùi hương không đậm bằng, nước không đen sánh nhưng lại có mùi hương dễ chịu hơn, khi uống vừa cảm nhận được vị đắng của cà phê lại vừa có mùi thơm đặc trưng cà phê lẫn mùi hăng hăng của chồn hương. Do sản lượng còn khiêm tốn, khoảng 250kg cà phê nhân/năm, nên chưa thể ký hợp đồng cung ứng cho các đối tác nước ngoài với số lượng lớn.

Anh Phong hồ hởi: “Công ty Cà phê chồn Trại Hầm Đà Lạt mới được công ty National Merit Fellow Soldier Association (Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ trong tháng 8 vừa qua và nếu mẫu chất lượng đảm bảo sẽ trở lại Việt Nam để ký hợp đồng chính thức mua sản phẩm. Hiện mỗi kg cà phê chồn có giá 20 triệu đồng và được xem là một sản phẩm cà phê cao cấp”.

Khi được hỏi về đầu ra của sản phẩm, ông Nguyễn Quốc Minh, chủ trang trại, cho biết: “Hiện nay thị trường rất lớn, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và chỉ có người nuôi thực sự mới đảm bảo được uy tín vì do giá cao nên đã bị một số người lợi dụng đưa ra những sản phẩm hàng kém chất lượng. Nếu có các đơn hàng trong thời gian tới, công ty sẽ ký hợp đồng với người dân địa phương cung cấp nguồn chồn giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hái cà phê sạch và được bao tiêu sản phẩm.

 Giá 1 cặp chồn hương hiện là 25 triệu đồng, sau 6 tháng chồn ăn quả cà phê sẽ cho sản phẩm cà phê nhân. Như vậy người dân nơi đây vừa có thu nhập, vừa góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm cà phê Việt Nam xuất khẩu”. 

Sự thật tàn nhẫn sau mỗi ly cà phê đắt nhất thế giới

Đằng sau những ly cà phê phân chồn giá từ 30 tới 100 USD là nạn ngược đãi động vật tàn nhẫn.

Mỗi ly cà phê phân chồn cao cấp của Civet hay Kopi Luwak đều được bán với mức giá từ 30 USD đến 100 USD ở thị trường New York hoặc London.
Đằng sau mỗi ly cà phê đắt tiền là sự thật tàn nhẫn về nạn ngược đãi động vật. Ở Indonesia, mỗi ly cà phê phân chồn cao cấp của Civet hay Kopi Luwak đều được bán với mức giá từ 30 USD đến 100 USD ở thị trường New York hoặc London. Theo nghiên cứu thì những loại cà phê này được làm từ hạt cà phê tiết ra bởi những con chồn hoang dã châu Á. Hệ thống tiêu hoá của những chú chồn này sẽ mang lại cho cà phê Lopi Luwak một hương vị đậm nét, êm dịu hơn. Dù mang lại lợi nhuận lớn gấp nhiều lần so với cà phê thông thường, nhưng cũng không thể phủ nhận tính tàn nhẫn đằng sau bí kíp sản xuất cà phê này.
Tờ Time đã tiết lộ, để có được sản lượng mong muốn, rất nhiều hãng cà phê giam cầm chồn trong lồng cũi, chỉ cho chúng ăn quả cà phê tươi. Những con chồn này phải sống trong kinh sợ, không được ăn uống lành mạnh. Loại động vật ăn tạp về đêm này gần như bị tra tấn về tinh thần, không ngừng gặm nhấm tứ chi, đến lúc không thể chịu đựng nổi nữa, sinh bệnh và chết.
Thương gia Tony Wild là người đã đưa thương hiệu cà phê chồn vào phương Tây từ  năm 1991. Sau khi được xuất hiện trên show truyền hình của nữ hoàng MC Mỹ Oprah Winfrey, sản phẩm cà phê chồn đã trở nên quen thuộc đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Nhận thấy sự tàn nhẫn khi kiếm lời một cách tham lam từ sản phẩm này, Wild đã khởi xướng chiến dịch quảng cáo, thuyết phục người tiêu dùng ngừng tiêu thụ loại sản phẩm này. 
Ông đã nói rằng:"Nhu cầu về mặt hàng này ngày càng tăng làm cho giá thành sản phẩm cũng tăng theo, điều này khiến cho loài chồn đang bị bắt giữ trái phép, bị tước mất tự do, bị ép ăn quả cà phê quá lượng để có thể sản xuất cà phê hàng loạt, tôi rất hối tiếc vì rằng sự khám phá của tôi không ngờ lại dẫn đến sự kinh doanh tàn nhẫn dựa trên sự ngược đãi động vât như vậy".
Chủ tịch hiệp hội Cà phê Civet Indonesia, Teguh Pribadi cũng ủng hộ ý kiến này, ông cho rằng:"Loài cầy hương Indo đang bị xử tệ, rất nhiều người nông dân không biết cách để nuôi giữ động vật này một cách đúng đắn". Vì vậy hiệp hội đang kiến nghị loài chồn phải được nuôi giữ trong chuồng với kích cỡ tối thiểu 20*15*25cm trong tối đa 6 tháng.
Ông Pribadi nói:"Chúng tôi còn khuyến khích người dân nên chú trọng hơn vào chất lượng của sản phẩm, không chăm chăm sao có số lượng thật nhiều".
Ở Indonesia, 1 kg hạt cà phê phân chồn đã sấy giá chừng 130 USD. Cà phê được đóng gói trong túi mạ vàng 24 carat và bạc Britannia, sau đó được bán ra với giá hơn 10.000 USD. Giá cả của mặt hàng này đắt đỏ như vậy là do cà phê được bắt nguồn từ động vật hoang dã, và lượng sản phẩm thu được ít và chậm.
Theo Therich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét